Tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua, là sản phẩm của một giai đoạn mang tính lịch sử, chợ Trời là chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội với nhiều điều kỳ lạ và những thứ hàng hóa không thể tìm thấy ở bất cứ khu chợ nào khác.
“Tiêu bản sống” thời bao cấp
Chợ Giời, hay chợ Trời, là tên gọi dân dã của chợ Hòa Bình. Chợ chiếm một khu vực trải khá rộng quanh trục đường Phố Huế - Hàng Bài, gồm các ngõ và phố nhỏ như khu Chùa Vua, Lê Gia Định, Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ, ngõ Thịnh Yên, ngõ Yên Bái 2. Theo một số tài liệu thì chợ Giời được hình thành vào khoảng những năm 1954 - 1955. Đó là khi một số người di tản vào miền Nam cần phải bán tài sản đã sử dụng của gia đình. Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, Chợ Trời xuất hiện từ khoảng những năm 1954 - 1955. Chợ Trời là chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội, tồn tại nhiều thập kỷ nay như là sản phẩm của một giai đoạn mang tính lịch sử: thời bao cấp.
Một góc chợ Trời - khu chợ tạm lâu đời và kì lạ nhất Hà Nội. Khi muốn mua hàng hóa “tem phiếu” người ta vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh, còn hàng ngoài luồng, “phe phẩy”, thậm chí hàng ăn cắp, thì ra vỉa hè, ra chỗ chợ không cần mái, tức là chợ Giời. Vì vậy, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, chợ trời là “sản phẩm” của thời kỳ bao cấp, thời kỳ người dân phải mua hàng hóa bằng tem, phiếu. “Chợ trời” ra đời chính từ nhu cầu thiết yếu, khi lượng cung không đáp ứng đủ với nhu cầu của người dân. Những mặt hàng “ngoài luồng” không được “tem phiếu hóa”, không có chỗ đứng tại các cửa hàng mậu dịch thì được tiêu thụ “không hợp pháp” ở những chỗ… không phải chợ. Đó là ngoài trời. Đặc điểm về không gian này đã được dân gian đặt tên cho những “chợ” mọc lên tự phát và tiêu thụ hàng hóa lén lút, không hợp lệ. Là sản phẩm của chế độ bao cấp, nhưng chợ Trời đến nay vẫn tồn tại vì nó biết thay đổi để thích ứng nhu cầu người mua. Chợ Trời ngày nay vẫn là “thương hiệu” lớn về cung cấp linh kiện cơ khí, điện tử với giá cả được nhiều dân buôn đánh giá là “phủ lý” (hợp lý).
Săn hàng “độc” chợ Trời
“Hàng gì có ở trên đời, cứ đến chợ Giời là có” là câu cửa miệng của dân buôn bán và nhiều người khi nói về chợ Trời. Cách nói trên hơi quá lời, nhưng quả thực chợ Trời là nơi buôn bán đủ loại hàng hóa, từ những thứ nhỏ như cây đinh, cục pin đến những thứ lớn như xe máy, tivi, tủ lạnh… Mọi thứ hàng hóa “thượng vàng, hạ cám” đều có ở đây. Ai đó lần đầu đặt chân đến chợ Trời dễ bị lạc vào ngóc ngách chợ được quây lại san sát với nhau bởi hàng trăm gian hàng bày bán đủ thứ linh tinh, thậm chí vặt vãnh trên đời. Nhưng chợ Trời còn có nhiều mặt hàng “độc”, có hỏi mua mới biết.
Tìm mua một “con” IC nhỏ như que diêm hay một chiếc điều khiển tivi sản xuất từ những thập niên 70 - 80 thế kỷ trước, xem như chuyện mò kim đáy bể. Thế nhưng đến chợ Trời sẽ được đáp ứng đầy đủ. Để thử độ phong phú của chợ Trời, phóng viên vào một gian hàng bán điện tử trong ngõ Thịnh Yên hỏi mua con sò của ampli Pioneer A500 chạy điện 110V. Loại ampli này là hàng Nhật “bãi”, sản xuất từ vài chục năm trước. Nghe chúng tôi hỏi, bà chủ chau mày. Bà ta khuyên bỏ món đồ cổ ấy đi và chào hàng một chiếc ampli khác cũng hãng Pionner của Nhật nhưng đời mới hơn. Chúng tôi không đồng ý. Thuyết phục một hồi không ăn thua, bà ta bảo đặt cọc tiền để đi lấy hàng. Sau khi phóng viên đặt cọc 800.000 đồng, tương đương với 50% giá trị con sò, bà chủ quán biến mất trong đám đông. 15 phút sau, bà ta quay lại, trên tay là con sò hình chữ nhật chỉ bằng móng tay cái. Bà ta còn giới thiệu: “Không chỉ loại sò này, đời cũ hơn nhà chị cũng có. Các chú cần cứ đặt hàng trước. Vài ba hôm, không chỉ sò mà bất cứ thứ gì là phụ kiện của ampli chị cũng đáp ứng được hết”.
Xem thêm về dịch vụ sửa chữa ampli chuyên nghiệp.
Chợ Trời có các cửa hàng tiện nghi...
...Cho đến những gian hàng dựng bán ngay giữa đường. Bên cạnh các đồ linh kiện hiếm, chợ Trời còn bán các đồ mới tinh, nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên, một điểm đặc trưng tại khu chợ này là các quầy hàng luôn trộn lẫn hàng thật với hàng giả và bán giá như nhau. Vì thế, những người “có kiến thức uyên thâm” có thể mua được những món hàng xịn, bền tại đây với giá rẻ bất ngờ, nhưng không ít “tay mơ” đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mua phải những món đồ kém chất lượng so với số tiền bỏ ra.
Theo một dân buôn đồ điện tử vào chợ này, hàng nhập lậu, hàng nhái kiểu dáng đang chiếm trên 70% hàng hóa bày bán ở đây. Giá cả các loại hàng nhái khiến nhà sản xuất chính hãng cũng phải méo mặt: đầu kỹ thuật sở ở đây rẻ nhất là 380.000 đồng trong khi đầu chính hãng thì phải 1,75 triệu đồng. Một chiếc khóa càng xe máy Việt Tiệp có 85.000 đồng trong khi lắp ở xưởng xe Honda phải có giá 200.000 đồng. Chiếc headphone ở đây được bán 40.000 đồng, nhưng nếu vào siêu thị đồ điện tử thì phải là 200.000 đồng/chiếc.
Đĩa DVD trắng chỉ 1.500 đồng/chiếc nhưng ở siêu thị là 3000-4000 đồng. Anh Phạm Việt Quang, một khách quen từ nhiều năm nay của chợ Trời đúc rút: “Chợ Trời chỉ hay với những người cần mua đồ cũ và sành đồ, chỉ rẻ với người biết mua và cũng chỉ vài quầy hàng là đáng tin cậy về chất lượng hàng mà thôi. Còn với những “gà” mới đi chợ Trời thì đảm bảo là bị “hớ”, chỉ mang cái bực mình về”.
Theo Kenh14
Xem thêm: Sửa amply bị hỏng sò, cháy sò